Sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ sơ sinh Sữa_mẹ

Xem thêm thông tin: Nuôi con bằng sữa mẹ

Từ lâu giới y học đã nhận thấy trẻ bú sữa mẹ ít bị bệnh nhiễm trùng hơn trẻ bú sữa bình (sữa bột, sữa công thức). Cho đến gần đây, họ vẫn cho lý do là vì sữa mẹ không có vi trùng trong khi bình sữa có thể có vi trùng trong đó. Nhưng ngay cả sau khi khử trùng tối đa, số trẻ em bú sữa bình bị viêm màng não, viêm ruột, viêm tai, viêm đường hô hấp,... vẫn nhiều hơn trẻ bú sữa mẹ.

Sữa mẹ thật ra có những tác dụng trực tiếp bảo vệ trẻ sơ sinh qua nhiều cách khác nhau - nhất là trong những tháng đầu khi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt chưa đủ khả năng chống lại ngoại khuẩn. Do đó cả UNICEF lẫn Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến khích người mẹ cho con bú sữa mẹ cho đến khi em bé hơn hai tuổi (ở các nước phát triển, vì lý do cá nhân hay xã hội, ít có người mẹ nào làm được thế).

Mặc dù trẻ sơ sinh có sẵn một ít kháng thể (antibody) được truyền qua nhau thai khi còn trong bụng mẹ, những kháng thể này từ từ sẽ tiêu biến đi. Sữa mẹ là nguồn cung cấp kháng thể cho đến khi hệ miễn dịch của em bé trưởng thành. Hệ miễn dịch của con người tiếp tục phát triển cho đến sau 5 năm mới hoàn tất.

  • IgA tiết (secretory IgA) - Sữa mẹ có đủ lại kháng thể IgG, IgA, IgM, IgD and IgE. Nhưng nhiều nhất là IgA, đặc biệt là loại IgA tiết. Loại IgA này có khả năng tồn tại không bị acid của dạ dày phá hủy khi em bé nuốt vào. Loại IgA tiết được bào chế đặc biệt dành riêng cho người mẹ và chuyền sang cho con mình, có tác dụng cho những vi khuẩn mà người mẹ đã gặp phải - do đó con của mình cũng được bảo vệ theo từng môi trường riêng. Ngoài ra, loại IgA này không tiêu hủy các vi khuẩn "có ích" cho bộ tiêu hóa. Đặc biệt một điều là khi tiêu diệt vi khuẩn IgA tiết không làm viêm (nghĩa là không tạo nhiệt, hay phá hủy tế bào thông thường).
  • Oligosaccharide - Là một chuỗi các thành phần loại đường, gần giống cấu trúc của những phân tử trên màng tế bào, nơi vi khuẩn thường dùng để xâm nhập đường tiêu hóa. Vì thế vi khuẩn bám "nhầm" vào những chuỗi đường này và bị bài tiết ra ngoài, không có cơ hội xâm nhập cơ thể. Mucin trong sữa mẹ cũng là một loại tập hợp chất đạm và cabohydrate có khả năng thâu tóm vi khuẩn theo kiểu "lừa và bắt cóc" này.
  • Lactoferrin - Chất này có khả năng gộp hai nguyên tử sắt thành một - làm thiếu chất sắt cần thiết cho sự tăng trưởng của một số vi khuẩn, thí dụ loại Staphylococcus aureus rất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
  • Chất đạm bám Vitamin B12 - Chất đạm này kềm chế không cho vi khuẩn thu nhập Vit B12 và làm giảm sự tăng trưởng của một số vi khuẩn.
  • Yếu tố bifidus - Chất này khuyến khích sự tăng trưởng của một số vi khuẩn loại Lactobacillus bifidus - có ích cho hệ thống tiêu hóa.
  • Các chất acid béo có trong sữa mẹ có khả năng làm vỡ màng bọc của các loại siêu vi trùng có vỏ bọc (enveloped virus) - như siêu vi trùng thủy đậu.
  • Sữa non (colostrum) và các tế bào miễn nhiễm - Sữa non là đợt sữa em bé bú trong những ngày đầu trong đời. Sữa này đặc, có ngả màu vàng và chứa rất nhiều kháng thể, tế bào miễn nhiễm và một số chất có tác dụng chống vi trùng như interferon (chống siêu vi trùng), fibronectin (tăng cường lực lượng bạch cầu như đại thực bào (macrophage)). Có rất nhiều tế bào miễn nhiễm trong sữa non. Nhiều nhất (50% số bạch cầu) là bạch cầu trung tính (neutrophil), 40% đại thực bào, 10% lymphocyte, (trong đó 20% là loại tế bào B và 80% loại tế bào T).